Văn chương ẩm thực, còn đâu một thời vang bóng?

Cũng đã từ rất lâu rồi, độc giả không còn thấy lại sự xuất hiện của những cây bút viết hay và viết dài hơi về ẩm thực. Không ít người chú tâm tìm hiểu, khám phá những cái hay, cái đẹp của ẩm thực dù những giá trị vẫn còn bất biến.

Đã có một thời, những trang văn hay về ẩm thực ở các vùng miền của Việt Nam làm độc giả say mê không kém các kiệt tác văn học kinh điển. Trong từng món ngon được thuật kể về cách chế biến, hương vị, cảm xúc thưởng thức, độc giả cảm giác như được nếm trải cả vị ngon lẫn phong vị rất riêng của mỗi câu chuyện. Những Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Vũ Bằng, Tô Hoài... đã làm sống dậy ẩm thực phố phường qua những trang văn tinh tế, đẹp đẽ. Những trang viết không chỉ là kiến thức thường thức về chế biến mà còn chuyển tải những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, bản quán, con người.
Những món ăn ngon chỉ còn vang bóng

Trước những cây bút kỳ tài về văn hóa ẩm thực nói trên, những bậc trí thức như Phạm Đình Hổ, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Văn Vĩnh cũng để lại những trang viết đẹp về ẩm thực. Chất chứa trong đó là tình yêu, sự gắn bó máu thịt với quê hương xứ sở. Cũng nhờ những trang viết này, đặc sản ba miền được biết đến bằng một cách hết sức văn minh, tinh tế, khơi gợi trí tò mò cũng như làm đẹp hơn những nét đẹp khó lẫn trong thưởng thức của từng vùng miền.

Dấu ấn của cây bút đề cập đến ẩm thực thành công trong từng trang viết về ẩm thực khiến tên tuổi của họ trở thành thương hiệu nổi tiếng và bền vững. Như vậy, cùng với những đề tài khác, ẩm thực trở thành một đề tài khai thác không kém phần cao sang, quý phái. Kết hợp với những cách quảng cáo tự nhiên, dân dã của ca dao, tục ngữ xưa, ẩm thực trong văn chương đã trở thành món ngon của rất nhiều người.

Mảnh đất bỏ hoang?

Một thực tế là hầu hết những tờ báo hiện nay đều dành đất cho mục ẩm thực và được độc giả quan tâm. Tuy nhiên, vin vào cớ này, việc đăng ồ ạt những tản văn về ẩm thực thiếu cảm xúc và yếu tố mới lạ phần nào gây nhàm chán, cảm giác công nghiệp, thiếu bản sắc.

Chúng ta rất dễ thấy văn chương ẩm thực đang bị đánh đồng với những cuốn sách dạy về kỹ thuật chế biến món ăn, các cẩm nang giới thiệu về ẩm thực các vùng miền. Đứng về phương diện nội dung, đề tài, những cuốn sách này cung cấp một lượng kiến thức phong phú về các món ăn ngon, rất bổ ích cho những người thích tìm hiểu về bản sắc ẩm thực nhưng hoàn toàn không phải là văn chương ẩm thực. Chúng ta khó tìm thấy ở đấy niềm hân hoan khi được thưởng thức một món ăn ngon, những thủ thuật, bí quyết rất nhỏ, rất riêng được mô tả bằng ngòi bút thi vị, đặc sắc.

Một điều khá ngược đời là trong khi một bộ phận những người nước ngoài thể hiện niềm yêu thích với các món ăn của Việt Nam, thậm chí viết về chủ đề này khá hấp dẫn thì các cây bút trong nước dường như đang mất đi niềm hứng khởi đối với đề tài này. Khi mà sự thưởng thức đã trở thành một lẽ ngẫu nhiên, các món ăn ngoại nhập xuất hiện nhiều hơn trong lựa chọn ẩm thực, niềm say mê khám phá và bày tỏ cảm xúc đối với ẩm thực quê hương cũng có phần giảm sút.

Thật khó để lý giải vì sao những trang viết ẩm thực lại có một mãnh lực lớn như vậy với độc giả nhưng lại quá dễ dàng để thấy được sự hời hợt của những cây bút hiện đại đối với một đề tài thuần Việt và sâu sắc. Không phải không có những cây bút thử sức với đề tài này, vấn đề nằm ở chỗ hiểu biết về văn hóa, cảm thụ về giá trị của văn hóa trong từng món đồ ăn thức uống dân gian còn quá non trẻ. Chính yếu tố này đã cản trở các trang viết để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.

Viết về ẩm thực thành công là khi khiến độc giả dậy lên niềm ham muốn được thưởng thức món ăn nhờ được sống trong không khí văn chương thi vị, chuẩn xác. Tác giả phải truyền được niềm say mê đối với ẩm thực đến với độc giả chính bởi sự hiểu biết, trải nghiệm có thật. Có như vậy mới hi vọng tạo được dấu ấn của bản thân với các trang viết về thú thưởng thức của ngon vật lạ.

Ngữ Nam