Tình cảm và triết lý đôi đũa Việt Nam

Từ bao đời người Việt Nam có thói quen ăn bằng đũa, đôi đũa nhỏ bé xinh xinh bằng bặn luôn đồng hành với con người, chia buồn sẻ ngọt ấy đã làm rung động trái tim thi sỹ của người Việt – một dân tộc vốn thẳng ngay, trung thực, khiêm nhường, thủy chung như nhất, chung lưng đấu cật vượt mọi gian nan.

Trong ký ức của tôi không phai mờ hình ảnh người mẹ hiền kính yêu, bền bỉ nhẹ nhàng hướng dẫn tôi dùng đũa thay cho thìa để ăn cơm. Bàn tay nhỏ nhắn vụng về gắng điều khiển đôi đũa mẹ vót riêng cho, đôi đũa thon thon, xinh xắn và nhỏ hơn bình thường. Khi thấy đứa con yêu đã sử dụng thành thục, mẹ xoa đầu khen: “Giỏi lắm, thế là con đã lớn rồi đấy!”. Trong đôi mắt mẹ long lanh như có ngấn nước. Lời khen của mẹ khiến tôi sung sướng đến nghẹ lòng.

Làm món ăn ngon và nghệ thuật sử dụng đũa

Đôi đũa thường mọn, bình dị ngay từ tuổi thơ tôi đã tràn đầy kỷ niệm, đã thấm đượm tình mẹ thiêng liêng. Thưở ấy mỗi lần nghe mẹ ru: “Hai ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”, tôi chưa hiểu gì nhưng lòng cứ rưng rưng, rạo rực như được nằm trên tấm thảm bay kỳ diệu. Dạo ấy nhiều đêm tôi nằm mơ thấy được gặp bà tiên, bà vung cây đũa thần biến những ước mơ của tôi thành hiện thực, bà tiên ấy có khuôn mặt hiền từ như mẹ tôi. Rồi cái hôm mẹ tôi về trời, đôi đũa bông xơ xước những sợi đau thương như muốn cưỡng lại cái chu trình ngắn ngủi và khắc nghiệt của đời người.

Sau này khi dạy con, cháu tôi lại lặp lại chính những điều ngày xưa mẹ đã dạy tôi, nào là: Không dùng đũa gõ vào mâm, bát; không dùng đũa chỉ vào mặt người khác; không dùng đũa thay cho tăm… Nhất là trước khi ăn phải so đũa cho bằng đầu, phải chia đũa cho người cao tuổi, cho khách trước… Những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy dần dần ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, để rồi tự lúc nào biết ý tứ hơn, biết quan sát suy ngẫm, biết sử sự ra đầu ra đũa, biết chọn cột cờ trong bó đũa, biết cầu thị để phấn đấu tiến bộ mà không cầu toàn…

Khi đã lớn khôn, tôi được biết người phương Đông đã dùng đũa từ 1.200 trăm năm trước công nguyên. Những ngón tay được nối dài của con người ấy cũng có nhiều thay đổi cùng với sự phát triển xã hội, thậm chí qua đó hiểu được cả nết người. Từ đũa tre, gỗ, dần dần có thêm đũa đồng, ngà, bạc, vàng, ngọc, đũa dùng một lần… Có loại đũa có tính năng thử độc và khử độc. Có khi đũa được chạm trổ những hoa văn cầu kỳ, tinh xảo.

Đôi đũa không chỉ phục vụ đời sống con người, mà ngay từ khi: “Mẹ sinh em đã có đôi/ Siêng năng giản dị nên người mến yêu”, đã biết: “Lọc trong cay đắng hương hoa vị đời” – (Chị và em – Dương Hiền Nga), luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho thi nhân mọi thời đại.

Đời nhà Tống, Trình Lương Qui có bài “Đũa trúc” nổi tiếng: “Cứ hỏi đôi đũa trúc, nó sẽ biết mọi điều sướng khổ/ Đừng buồn vì người khá giả, trước sau ta cũng không màng”. Trong ca dao Việt Nam, đôi đũa được dùng để chuyển tải những ý tưởng sâu sắc: “Đôi ta làm bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng/ Bởi chưng thầy mẹ nói ngang/ Cho nên đũa ngọc  mâm vàng xa nhau”. Chuyện tình duyên trăm năm bị hủ tục phong kiến ngăn trở, khát vọng tự do hôn nhân được phản ánh nhẹ nhàng nhưng sâu sắc vô cùng. “Đũa ngọc – Mâm vàng” như một sự cân xứng của đôi trai tài gái sắc và bật lên, vút cao tiếng kêu đòi tự do hôn nhân của cả một thế hệ, một kiếp người, mang bóng dáng của lịch sử.

Trong thơ hiện đại, hình tượng đôi đũa được miêu tả trong những khung cảnh độc đáo, diễn tả những ý tưởng mới lạ: “Nắp cà mèn thế bát/ Đĩa nhôm cánh tầu bay/ Đũa tre rừng ta vót/ Ta cầm thêm mát tay” – (Bữa cơm vùng căn cứ – Vương Linh). Đôi đũa theo chân người chiến sỹ như một đồng đội, như người bạn tâm tình, mang hình bóng quê hương, tiếp thêm cho anh niềm tin yêu trong sáng.

Với Phạm Tiến Duật lại cảm nhận được tình cảm chân thành, tha thiết của cô gái qua động tác nhẹ nhàng gắp thức ăn mời một cách chân tình: “Bếp tập thể đậu kho và rau luộc/ Em gắp cho tôi bằng đôi đũa cau rừng” -  (Áo của hôm nào, người của hôm nay).

Mỗi mùa vụ mới, nâng bát cơm thơm dẻo, là người Việt Nam, không ai không hồi tưởng đến những người đã mất: “Bữa cơm mới đũa so người đã khuất” - (Vương Tường). Đôi đũa còn được gửi gắm cả những nét đẹp thuộc về đạo lý con người của người Việt Nam, luôn: “Uống nước nhớ nguồn”. Cùng mạch cảm xúc ấy, Thu Bồn lại thể hiện rất tinh tế tình mẹ lớn lao, sâu nặng: “Bữa ăn xum vầy bên bếp lửa/  Mẹ so đũa thừa lại nhớ đên ta” – (Bài ca chim Chơ Rao).

Lấy cảm hứng từ đôi đũa, dùng hình ảnh đôi đũa làm thi liệu, tiếp nối truyền thống của cha ông, các tác giả hiện đại đã vịnh đôi đũa, khai thác nét đẹp ẩn chứa bên trong, đem cái trần tục, đời thường hòa với cái thanh cao, sang trọng một cách tài tình và rút ra những triết lý nhân sinh cao cả, lẽ sống và chuẩn mực đạo đức của con người: “Đã từng nếm trải đắng cay/ Đã từng dự cuộc tỉnh say ở đời/ Giống nhau từ thuở thiếu thời/ Trọng người ngay thẳng, ghét người cong queo” – (Trọng ngay thẳng – Nguyễn Thị Lan). Điệp từ “đã từng” cứ âm vang trong tâm trí người đọc như khắc sâu thêm chân lý rút ra từ cuộc sống: “Trọng… Ghét”là những điều đã được xã hội thừa nhận và cũng là tiêu chí, chuẩn mực của con người.

Trong cuộc sống, có những “lẽ đời” người ta không dễ nhận ra một sớm một chiều. Chỉ khi được thời gian thử thách, khắc nghiệt hơn khi bị mất đi báu vật của cuộc đời, người ta mới nhận ra chân giá trị và tiếc nuối: “Thẳng ngay tròn trịa chắc dày/ Vị đời mặn ngọt đắng cay không rời/ Đến khi một kẻ lìa rồi/ Mới hay sống trọn một đôi dễ gì” - (Nghiệm lẽ đời – Phạm Xuân Phụng). Câu thơ như được chắt ra từ những ngọt bùi của cuộc sống, giá trị như một chân lý; người đọc không khỏi giật mình, thấm thía và biết trân trọng hơn cái lẽ: “Vợ chồng là nghĩa tao khang”.

Nói về đôi đũa mà ta như thấy cuộc sống con người với bao đức tính tốt đẹp, thủy chung, nhân hậu, những lẽ sống được rút ra từ những trải nghiệm đường đời: “Từ thuở sinh thành đã có đôi/ Giúp nhau san sẻ những đầy vơi/ Chua cay mặn ngọt đương đầu thử/ Ứng phó cương nhu thuận lẽ trời” – (Đã sánh đôi – Phan Sỹ Phiên).

Cái đạo lý “thương người như thể thương thân”, cái đạo lý từ ngàn xưa của ông cha ta: Đôn hậu, khiêm nhường, dâng hiến hết mình không vụ lợi lại được Văn Gia thể hiện rất tinh tế: “Thân em dù gỗ hay tre/ Có đôi có lứa không hề lẻ loi/ Thẳng ngay tròn trĩnh với đời/ Ở đâu cũng được tay người nâng niu” – (Tay người nâng niu).

Xưa dân gian cho rằng: “Xứng đôi vừa lứa chọn nơi/ Hay gì đũa mộc lại chòi mâm son”. “Đũa mộc” không cầu kỳ, dân dã dần dần chuyển đổi ý nghĩa thành “đũa mốc” để nhấn mạnh sự nghịch cảnh, tạo sự đối lập mạnh mẽ với “mâm son”. Người Việt Nam ta vốn nhanh nhẹn, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, luôn biết mình biết người, chọn lọc cái tinh hoa để làm nên bản sắc, mà không “dĩ hòa vi quí”: “Em trầu anh tựa như cau/ Nợ duyên quấn quýt bên nhau trọn đời/ Sao cho bằng bặn thì thôi/ Mốc thời chịu vậy chẳng chòi mâm son” – (Chịu vậy – Phan Hương Lan).

Là người Việt Nam, có ai không thấm thía ý nghĩa cao đẹp của câu chuyện cổ dân gian: Người cha trước lúc qua đời đã dạy cho các con một bài học về đoàn kết bằng một bó đũa: Bẻ riêng từng cái thì gẫy, bẻ cả bó thì không sao gẫy được. Những cái bình thường nhiều khi hàm chúa những điều phi thường. Câu chuyện về chiếc đũa nhỏ bé ấy nêu lên một kinh nghiệm và bài học đường đời lớn lao biết bao nhiêu.

Xung quanh đôi đũa, từ cổ chí kim đã có không biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu ý tưởng, biết bao triết lý cao siêu và thấm đượm tình người, đem lại cho mỗi người một tình yêu trong sáng, một ý thức giữ gìn trau chuốt những phẩm chất tốt đẹp, để mỗi người mãi là “đũa ngọc” trong “Mâm vàng” nghìn năm văn hiến.

Xem thêm:
- Cách dùng đũa
- Bắc cầu chiếc đũa mà trao ân tình